Lai Châu: Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công
Sáng nay (28/12), UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2023. Đồng chí Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Lai Châu dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thành phố. Tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí trong Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Lai Châu; đại điện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Lai Châu, Công ty Cổ phần Nước sạch Lai Châu, Bưu điện tỉnh, Viễn thông Lai Châu; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, trung tâm, công chức, viên chức có liên quan của các sở, ban, ngành tỉnh.
Tại điểm cầu các huyện, thành phố có đại diện lãnh đạo UBND, lãnh đạo phòng chuyên môn các huyện, thành phố; đại diện lãnh đạo UBND các xã, thị trấn, cán bộ, công chức tại Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã.
Theo báo cáo tại Hội nghị, hiện nay, tỉnh Lai Châu có 1 Trung tâm Phục vụ hành chính công, 115 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa (1 tại Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù thàng; 8 tại UBND các huyện, thành phố; 106 tại UBND các xã, phường, thị trấn).
Năm 2023, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành 682 văn bản, trong đó có 161 Quyết định, 26 Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, điều hành khác về CCHC kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), đảm bảo về tiến độ, chất lượng, thời gian triển khai thực hiện; qua đó góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận một cửa các cấp; góp phần thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc nộp hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử, cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao các Chỉ số PAR INDEX, PCI, PAPI, SIPAS của tỉnh.
Bộ phận một cửa các cấp sau khi được thành lập và kiện toàn đã đi vào ổn định, phát huy tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, hoạt động hiệu quả trong công tác đầu mối tiếp nhận hồ sơ, xử lý và trả kết quả giải quyết TTHC, được các tổ chức, cá nhân đánh giá cao về chất lượng phục vụ trong giải quyết TTHC. Tỷ lệ trả trước và đúng hạn đạt 99,51%; mức độ hài lòng đạt 100%; thanh toán trực tuyến đạt 33,45% (vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP, giao tối thiểu 30%).
Các TTHC được công khai, minh bạch, dịch vụ hỗ trợ trong giải quyết TTHC được cung cấp đầy đủ, kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và công chức, viên chức tham gia quá trình giải quyết TTHC; số hồ sơ được giải quyết, trả kết quả trước và đúng hạn đạt cao, được tổ chức, cá nhân đánh giá sự hài lòng cao, giảm thời gian giải quyết các TTHC; thực hiện tốt phương án “5 tại chỗ”, triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đến 100% cấp xã trên địa bàn tỉnh... góp phần giảm chi phí và thời gian đi lại, chờ đợi cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC.
Tại Hội nghị, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phát biểu ý kiến, thảo luận nhằm chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế cần khắc phục; đồng thời chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức, thực hiện công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương đã biểu dương sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa các cấp thời gian qua. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công. Tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa cải cách TTHC. Tập trung rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền bãi bỏ TTHC, quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí. Tăng cường phân cấp, ủy quyền đi đối với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi công vụ các cấp, tăng cường giám sát kiểm tra, đôn đốc trong giải quyết TTHC. Theo dõi sát, kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; không để tình trạng kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm gây tốn kém chi phí, thời gian đi lại của người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, tập trung rà soát kỹ và cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết TTHC. Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP. Thực hiện nghiêm công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả. Chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận một cửa theo thẩm quyền. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia thực hiện và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện có chất lượng, hiệu quả việc công bố, công khai, minh bạch quy trình giải quyết công việc, TTHC. Đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia... Trên tinh thần quyết tâm, vượt khó, nỗ lực đạt kết quả cao hơn nữa trong công tác cải cách thủ tục hành chính nói chung, tiếp nhận và giải quyết TTHC nói riêng.
Tác giả: Đinh Lan
Nguồn: laichau.gov.vn